Trường Việt Nam Hàng hải

Bắt đầu từ năm 1957, Trường Hàng hải sáp nhập vào Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ với danh xưng là Trường Việt Nam Hàng hải. Về sau trường được nâng lên bậc Cao đẳng nhằm đào tạo các Viễn dương Thuyền trưởng và Kỹ sư Cơ khí Hàng hải.

Lịch sử

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, Trường Hàng hải đào tạo những chuyên viên kỹ thuật phục vụ trên các tàu bè, phần lớn là các thương thuyền, những cơ sở ngành nghề có liên hệ đến biển cả, sông ngòi như các thương cảng, các đoàn hoa tiêu dẫn dắt tàu bè ngoại quốc ra vào các thương cảng, các công tác công chính như phà, xáng hút, thủy hiệu kiểm soát các phao đèn, thanh tra hàng hải ở Nha Thủy vận, Quan thuế… Ngoài ra, có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Trường Hàng hải đã gia nhập vào Hải quân, nhất là những năm đầu thành lập quân chủng này trong thập niên 1950.

Lịch sử Trường Hàng hải xin phép được chia ra làm 2 giai đoạn, chúng ta hãy lấy năm 1950 làm dấu mốc vì theo Hiệp định Hạ Long ký kết giữa Quốc trưởng Bảo Đại và Chính phủ Pháp năm 1949 thì các cơ sở hành chính và quân sự được Pháp trao trả lại cho Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào lúc này. Theo lời quý vị niên trưởng Hàng hải và Hải quân, khoảng năm 1942, danh xưng đầu tiên của Trường Hàng hải là École des Mécaniciens Asiatiques được thành lập chiếu theo Nghị định ngày 20/02/1940 của Thống đốc Nam Kỳ Rodier. Mục đích của trường nhằm đào tạo Sĩ quan Hàng hải các khóa ngành Chỉ huy (Service Pont), ngành Cơ khí (Service Machine), ngành Vô tuyến điện (Service Radio) để phục vụ trên các chiến hạm Pháp ở Đông Dương. Có một số sinh viên cam kết sẽ phục vụ trong một thời gian quy định trên các chiến hạm Pháp hoặc trong các cơ sở thuộc Hải quân Pháp như Ba Son… sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra có nhiều người sẽ thành những kỹ thuật gia phục vụ trong các ngành kỹ nghệ, công nghệ và xí nghiệp Pháp tại Đông Dương. Trường lúc bấy giờ tọa lạc tại đường Đỗ Hữu Vị, Chợ Cũ Sài Gòn. Vị Giám Đốc sáng lập trường là Emmanuel Rosel, một Kỹ sư Công nghệ cũng là Đại úy Hải quân Pháp. Có một lúc trường mang tên là École Rosel. Năm 1942, theo lời một Cố Niên trưởng, cựu Hoa tiêu sông Sài Gòn, trong thời gian này, Nhật Bản chiếm đóng tất cả các trường học làm trại binh, trường được chuyển vào Sở Ba Son. Các anh học trên hai chiếc tàu cập bến trong Ba Son, thuộc Hải quân Công xưởng về sau, một chiếc có tên là Administrateur Royer dành cho các sinh viên Sĩ quan ngành Chỉ huy (Pont), còn một chiếc khác dùng vào việc huấn luyện các Tài công (Patrons de Chaloupe). Đến năm 1943, trường trở về tọa lạc trên đường Đỗ Hữu Vị, Chợ Cũ Sài Gòn, lấy tên là Collège Technique (Trường Kỹ thuật). Trong nửa phần đầu của thập niên 1940, xuất hiện một thế hệ Sĩ quan Hàng hải Thuyền trưởng cũng như Cơ khí trưởng lão thành sẽ có mặt trên mọi ngành nghề có liên quan đến nền Hàng hải Việt Nam từ Bắc chí Nam. Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, những xáo trộn chính trị tại Sài Gòn tàn lụi dần, Trường Kỹ thuật hoạt động bình thường trở lại. Từ năm 1947 đến năm 1950, trường đã đào tạo một số lớn chuyên viên kỹ thuật ngành hàng hải được huấn luyện trên các thương thuyền Pháp. Họ học hỏi thu thập đủ kinh nghiệm về nghề nghiệp để gánh vác trách nhiệm chỉ huy các tàu buôn mang cờ Việt Nam Cộng Hòa sau này.

Đặc biệt khóa 1947 – 1948, những sinh viên tốt nghiệp từ trường Kỹ thuật đã trở thành những vị Tư lệnh Hải quân, những sĩ quan cao cấp chỉ huy các lực lượng trong Quân chủng Hải quân hoặc tiếp thu lại các Đoàn Hoa tiêu từ những chuyên viên người Pháp. Trong đó, một Sĩ quan Hàng hải tốt nghiệp khóa này là ông Nguyễn Văn Thiệu, một tướng lĩnh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, về sau trở thành vị Tổng Thống của nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam. Đến năm 1950, do Nghị Định số 155-CAB/SG ngày 27/12/1948, Trường Hàng hải được chính thức thành lập, và khóa học 1950 – 1951 được xem là Khóa I Hàng hải. Trong những năm này, trường tọa lạc tại khu Hỏa xa trên đường Colonel Grimaud về sau đổi thành đường Phạm Ngũ Lão với danh hiệu “Việt Nam Hàng hải Học hiệu” (École de Navigation Maritime Vietnamienne). Các Khóa I và II đều học nơi đây.

Huy hiệu Trường Việt Nam Hàng hải

Từ năm 1952 đến năm 1957, trường được dời về khuôn viên Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký nằm dọc theo Đại lộ Thành Thái gần các trường Đại học Sư phạm, Công chính và Điện. Đến năm 1957, trường được sáp nhập vào khu Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ cùng các trường Cao đẳng Công chính, Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, Cao đẳng Điện học, Cao đẳng Hoá học… tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Thoại, đối diện với Cư xá Lữ Gia ở Phú Thọ. Và do sắc lệnh số 213-GD ngày 29/06/1957, trường đã đổi danh hiệu là “Trường Việt Nam Hàng hải” cho đến năm 1975.

Trường Hàng hải thuộc Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ

Các môn học

Đa số các môn học được giảng dạy bằng Việt ngữ, tuy nhiên một số tài liệu có tính cách chuyên môn được trình bày bằng tiếng Pháp và Anh. Cho đến năm 1955, vì phần lớn giáo sư là người Pháp cho nên các môn học được giảng dạy có thể nói là 100% bằng tiếng Pháp.

  • Ban Chỉ Huy: Thiên văn Hải hành (Astronomie Nautique); Hải hành (Navigation); Toán Hải hành (Calcul Nautique); Hải Đồ và các dụng cụ hải hành (Cartes marines et Instruments Nautiques); Kỷ thuật tàu (Technologie navale); Vận chuyển – Chuyển hàng – Phòng tai (Manoeuvre – Manutention – Sécurité); Thủy thủ công (Matelotage); Quy luật tránh tàu (Réglèment d’abordage); Thủy hiệu – Hải hiệu – Hải đăng (Hydrographie – Balisage – Phares); Luật Hàng hải (Législation maritime); Y tế Hàng hải (Hygiène navale); Khí tượng học (Météorologie); Cơ học áp dụng (Mécanique appliqué); Toán – Điện từ (Mathématiques – Électromagnétisme); Sinh ngữ Pháp và Anh.
  • Ban Cơ khí: Máy tàu (Machines marines); Các động cơ nổ và Diésel (Moteurs à explosion et Diésel); Turbine khí (Turbine à gas); Nguội – Dũa – Hàn (Adjustage – Soudure); Kỹ nghệ họa (Dessin Industriel); Kỹ nghệ lạnh (Frigo); Kỹ thuật học (Technologie navale); Điện kỹ nghệ (Électricité industrielle); Cơ học áp dụng (Mécanique appliqué); Điện từ (Électromagnétisme); Nhiệt độ học (Thermodynamique); Phòng tai (Sécurité); Luật Hàng hải (Législation maritime); Toán. Sinh ngữ Pháp và Anh.
Sinh viên Trường Hàng Hải

Tài liệu tham khảo

Bài viết “Trường Việt Nam Hàng Hải” của tác giả Bùi Ngọc Hương – Cựu Hoa tiêu sông Sài Gòn

Leave a comment

Design a site like this with WordPress.com
Get started